Tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, hoạt động ngoại giao của Việt Nam vẫn ghi dấu với nhiều điểm sáng nhờ vận dụng tốt trường phái “ngoại giao cây tre”. Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, năm 2022, ngoại giao Việt Nam rất thành công nhờ có sự uyển chuyển, linh hoạt...
Nhìn lại năm 2022 với rất nhiều diễn biến phức tạp chưa từng có, là một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, theo ông, những vấn đề nào ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam?
Năm 2022 có rất nhiều diễn biến quốc tế phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trước hết là đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến quan hệ quốc tế và đến mọi mặt hoạt động của các nước. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Thứ hai, đó là việc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước, nhất là những nước lớn như Mỹ - Trung Quốc vẫn đang rất quyết liệt.
Thứ ba, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay đang tác động trực tiếp đến tình hình các nước và thế giới, nhất là về vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, di dân... Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu.
Trước những diễn biến quốc tế khó lường như hiện nay, Việt Nam buộc phải ứng xử tinh tế, khéo léo, cân bằng và hợp lý để có thể tiếp tục phát triển.
Trước những thách thức như vậy, Việt Nam đã xử lý một cách uyển chuyển, linh hoạt thế nào để vừa giữ vững lập trường, vừa giữ gìn được quan hệ đối ngoại và hợp tác với các nước trên thế giới, thưa ông?
Việt Nam đã kiên trì, nhất quán thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, phản ứng hết sức mềm dẻo trước các sự kiện phức tạp, đảm bảo phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Chúng ta vẫn chủ trương quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Ứng xử của Việt Nam từ lời nói đến hành động, trên các diễn đàn song phương và đa phương đều luôn thống nhất và nhất quán vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng ta phản đối chiến tranh như một biện pháp giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế, phản đối những hành động cường quyền, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Đồng thời, kêu gọi các bên xung đột giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán và các hoạt động ngoại giao.
Từ cách thể hiện này, có thể thấy, trường phái “ngoại giao cây tre” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 được thể hiện rõ rệt.
Đó là cách ngoại giao mềm dẻo trước những lựa chọn khó khăn, nhưng cũng không kém phần cứng rắn, đúng luật pháp và nguyên tắc khi cần thiết trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Vậy theo ông, cách xử lý khéo léo như vậy có ý nghĩa thế nào trong việc củng cố và nâng tầm vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế?
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục củng cố và đưa quan hệ với các quốc gia đi vào chiều sâu, phát triển và khẳng định vai trò dẫn dắt trong các cơ chế ngoại giao đa phương như ASEAN với những sáng kiến được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Trước những vấn đề quốc tế còn gây tranh cãi, Việt Nam luôn nhất quán trong lời nói và hành động theo những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và đã tạo ra những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc.
Bằng chứng rõ nhất là khi Tổng Thư ký António Guterres thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10, ông đã trao đổi với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đánh giá rất cao những đóng góp tích cực, nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực trụ cột.
Điểm nhấn khác là Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ đó là - ngoại giao vaccine.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, trong nước chưa sản xuất được vaccine, nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine đã trở thành một “mặt trận” rất quan trọng. Bởi, có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch Covid-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).
Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp “xoay chuyển tình thế”, từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới.
Đầu tháng 10 vừa qua, Việt Nam lại nhận thêm một tin vui nữa là lần thứ 2 trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 -2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ).
Năm 2022 khép lại, trước thềm 2023, ông dự báo Việt Nam sẽ đối mặt với những diễn biến quốc tế phức tạp và khó khăn ra sao?
Dự kiến diễn biến các vấn đề quốc tế vẫn phức tạp, có nhiều thay đổi rất khó dự báo. Dịch bệnh Covid-19 dần được đẩy lùi, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tác động đến nền kinh tế các nước và thế giới.
Thế giới sẽ phải đối phó với sự thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, những tập hợp lực lượng của các nước sẽ định hình ngày càng rõ nét hơn.
Tư duy cường quyền vẫn diễn biến ở khu vực và thế giới thể hiện qua sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia, nhất là các nước lớn.
Những hệ lụy của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine như khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế, di cư… sẽ ngày càng gay gắt.
Đây sẽ là thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là thời cơ cho Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục phát huy chính sách ngoại giao khéo léo, linh hoạt, sáng tạo và năng động vừa dựa trên cơ sở đạo lý và luật pháp để giữ gìn và đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc của mình.
Cảm ơn ông!