Phim đoạt giải vẫn “ế” phòng vé
Từ trái qua: diễn viên Lê Công Hoàng, Bảo Ngọc Doling, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh, Phương Anh Đào, Ngô Quang Tuấn, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc của bộ phim “Tro tàn rực rỡ”. Ảnh: Báo TN
Mới đây nhất, siêu phẩm “Avatar: Dòng chảy của nước” chỉ sau 3 ngày ra mắt doanh thu đã lên đến hơn 44 tỷ đồng. Chỉ tính riêng phim nước ngoài chiếu tại thị trường trong nước, ít nhất cũng trên 30 phim phát hành tại các rạp lớn.
Trong khi đó, với phim Việt Nam, tính đến ngày 17/12, có 35 phim Việt ra mắt, trong đó có 21 phim đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng.
Còn lại những phim bị nhiều lời chê và doanh thu thảm hại như “Mưu kế thượng lưu” (hơn 1 tỷ đồng), “Kẻ đào mồ” (538 triệu đồng), “Huyền sử vua Đinh” thu 42 triệu đồng…
Ngay đến “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải cao nhất Montgolfière d’Or tại Liên hoan phim Ba châu lục 2022, được khởi chiếu ngày 2/12 tại Việt Nam, sau hơn 10 ngày phát hành cũng chỉ thu về được hơn 3 tỷ đồng.
Không chỉ phim điện ảnh, ngay đến phim truyền hình trong nước rating cao ngất ngưởng, quảng cáo lên đến hơn 3 tỷ đồng tại mỗi tập phát hành, vẫn không bán được ra thị trường dù là ở khu vực châu Á.
Khi còn là Giám đốc VFC, đạo diễn Thanh Hải là người đã tạo ra được “vũ trụ VFC” với một luồng sinh khí mới cho phim truyền hình Việt. Anh tự hào khi có một đội ngũ trẻ kế cận. Tuy nhiên, vị đạo diễn thừa nhận, phim Việt vẫn đang dừng lại ở mức trao đổi với nước bạn, chưa bán được ra thế giới.
Lý giải về việc phim đoạt giải thì thua lấm bụng sân nhà, phim rating cao, hút quảng cáo khủng cũng chỉ để “đổi chác, giao lưu”, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, thành công của các nền điện ảnh như: Hàn Quốc, Trung Quốc… là do nội dung hấp dẫn và nền công nghiệp sản xuất tiên tiến.
Mà để có được nội dung kịch bản hay, hấp dẫn phụ thuộc nhiều vào nền tảng nhân lực. Trong khi đó, đây lại là điểm yếu của không chỉ Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước chưa phát triển.
“Khâu đào tạo lạc hậu trong thời gian rất dài. Để mời những người giỏi và thay đổi bản chất của đào tạo theo hướng cập nhật và làm cho nội dung thú vị, cần có nguồn lực kinh tế”, anh nói.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, không thể phủ nhận Việt Nam từng có thời kỳ phim ảnh bùng nổ. Đó là giai đoạn điện ảnh cách mạng, khi mà những người làm nghề được đào tạo rất kỹ lưỡng, bất chấp hạn chế trong khâu sản xuất.
“Đến nay, mọi thứ đã thay đổi. Muốn điện ảnh phát triển, trở thành mũi nhọn kinh tế, cần yếu tố nội dung, cần cả những bước đi có tầm nhìn dài hạn, bỏ tư duy kiểm duyệt. Và để điện ảnh phát triển còn phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế - xã hội”, đạo diễn chia sẻ thêm.
Khi giải trí không đơn thuần để giải trí
“Hậu duệ mặt trời”, “Tầng lớp Itaewon”… là những bộ phim Hàn Quốc đã rất quen thuộc với phần đông giới trẻ ngày nay. Văn hóa Hàn Quốc, trên mọi khía cạnh từ điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, ẩm thực, game show… trở nên phổ biến khá mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sự phổ biến này chính là kết quả của Hallyu - làn sóng văn hóa mạnh mẽ tới từ Hàn Quốc, được khởi xướng từ năm 2013.
Năm 2011, Trung Quốc cũng đã nêu ra nhiệm vụ thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc vượt mức 190 tỷ USD, trở thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu, thống trị thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu vào năm 2014, đúng sau 3 năm.
Việt Nam không nằm ngoài guồng quay của thế giới, khi coi văn hóa là trọng điểm để phát triển. Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, đặt ra những chỉ tiêu cụ thể cho lĩnh vực giải trí.
Trong những văn kiện gần đây của Đảng hay Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đều nhấn mạnh đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong đó có công nghiệp giải trí.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết: “Chúng ta đã có ý thức về câu chuyện này, tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp khá nhiều khó khăn, có thể đến từ nhận thức, vướng mắc do thể chế luật pháp... Và chúng ta đang gỡ dần”.
Theo ông Sơn, ngành công nghiệp giải trí của bất kì quốc gia nào cũng đóng một vai trò quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu giải trí mà còn hình thành và định hướng những giá trị đạo đức, lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
Cần có bệ đỡ
Để nền công nghiệp giải trí Việt Nam có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Sơn chỉ ra rằng: “Đầu tiên, cần phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về giải trí, các ngành nghệ thuật giải trí. Phải coi đó là các ngành công nghiệp. Chỉ khi nhận thức đúng và đầy đủ, mới có những chính sách, hệ thống luật pháp đầy đủ, phù hợp, tạo ra động lực để phát triển”.
Cũng theo ông Sơn, muốn vươn tầm thế giới cần xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thương hiệu của các nghệ sĩ.
“Phải mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để Việt Nam đạt được một nền công nghiệp giải trí phát triển? Chúng ta không thể xác định ngay được, khi chưa có một nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản”, ông Sơn nói.
Tính sơ lược chục năm gần đây, Việt Nam có đến trên 20 ca sĩ nhạc Pop đạt giải “Best Asian Artist Viet Nam” (Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất của Việt Nam); Chuỗi sự kiện Monsoon Music Festival (Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa) của nhạc sĩ Quốc Trung; Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô của Huy Tuấn; Ca sĩ Mỹ Linh từng phát hành album tại Nhật; Mỹ Tâm có liveshow tại Hàn Quốc; Sơn Tùng M-TP từng kết hợp Snoop Dogg... Tuy nhiên, hình ảnh cá nhân, cá tính âm nhạc của họ chưa đủ để vượt qua biên giới.
“Cá nhân xuất sắc làm nghệ thuật đã có nhưng lực lượng còn mỏng, thiếu bệ đỡ. Các nhà sản xuất sự kiện hiện còn manh mún. Ngay như Festival Huế từng có thời kỳ chương trình rất tốt, nhưng giờ ngày càng cũ và kém chất lượng. Làm gì để khắc phục? Cần phải có bệ đỡ! Thiếu bệ đỡ thì chúng ta vẫn cứ mãi chậm muộn. Bệ đỡ ở đây chính là nguồn lực đầu tư, chính sách quản lý”, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL; nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc công ty Elite Việt Nam:
Thị trường hoa hậu vẫn “ăn xổi”
Thị trường hoa hậu ở Việt Nam chưa phát triển toàn diện, đang mang tính chất “ăn xổi”. Hiện, chưa có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam, hoàn toàn chỉ mang tính manh mún.
Đầu tiên có thể thấy các đơn vị tổ chức chưa nhìn thấy tầm quan trọng của việc đào tạo mà nó đang xuất phát từ tâm lý “ăn xổi”. Họ chỉ nghĩ là tổ chức cuộc thi, chiêu mộ thí sinh theo năm, năm nào có thí sinh đẹp thì tốt mà không có thì chấp nhận. Thứ hai là nhiều người rất tâm huyết nhưng lực chưa đủ để họ tổ chức được một trung tâm đào tạo hoa hậu.
Khi nào chưa có các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp thì chừng đó thị trường hoa hậu Việt Nam sẽ vẫn như hiện nay, rất khó tạo ra được nền công nghiệp giải trí thực sự chuyên nghiệp. Nếu năm nào có thí sinh được giải cao ở quốc tế chẳng qua là sự may mắn mà thôi.